"Đây là lần thử nghiệm thành công thứ 6 trong bể xi măng. Lần tới tôi sẽ mang tàu ngầm Trường Sa mini ra hồ rộng để thử xem hệ thống bánh lái, camera, hệ thống dẫn đường có hoạt động ổn định không", doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa, người chế tạo con tàu, nói.
Tàu ngầm Trường Sa mini có thể lặn dưới nước và chuẩn bị nổi lên. Ảnh: Q.Hòa.
Buổi thử nghiệm diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều người dân cùng đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình, Viện Kỹ thuật Hải quân Hải Phòng.
Trao đổi với VnExpress, một người trong đoàn tham quan cho biết, ông nghe nói đến tàu ngầm Trường Sa mini từ rất lâu, hôm nay mới cùng đồng nghiệp được mục sở thị nó nổi chìm thế nào. "Thật tuyệt vời. Trước đây tôi còn bán tín bán nghi nhưng giờ tôi đã tin con tàu có thể lặn nổi", vị này nói.
Thời gian thử nghiệm bắt đầu từ hơn 13h đến 15h30 trong bể xi măng sâu 4,5 m, dài 10 m và rộng 3,7 m. Ông Hòa cho biết, ban đầu ông "trình diễn" cho tàu lặn, sau đó vài phút tàu nổi lên rồi lại lặn xuống. Tiếp đó, theo yêu cầu của mọi người, ông cho tàu lặn liên tục đến khi kết thúc.
"Theo dõi tàu ngầm lặn lâu quá, nhiều người có vẻ sốt ruột nên yêu cầu tôi cho tàu nổi lên và không cần xem thêm nữa", ông Hòa kể lại.
Đoàn tham quan của Viện Kỹ thuật Hải quân Hải Phòng xuống khoang lái của tàu ngầm. Ảnh: Q.Hòa.
Một vài thông số trước đây của tàu cũng đã được giảm xuống để đảm bảo an toàn, như tầm đi xa của tàu ngầm chỉ còn chạy được gần 100 km; tốc độ tàu giảm xuống còn 10 hải lý, thời gian lặn khoảng 3 đến 5 tiếng.Từ sau tết đến nay, ông Hòa và các đồng nghiệp hoàn thiện tàu ngầm, khắc phục các nhược điểm về kỹ thuật và thẩm mỹ. Đến nay, tàu có hình dáng gọn hơn, không còn thanh ngang, thanh dọc phía trên nóc; cũng không có cánh ở phía trước nữa.
theo vnexperss