Những ngày qua, video "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng" trở thành đề tài gây tranh cãi trên mạng. Trong hơn một tiếng, nam sinh tự giới thiệu học lớp 12 đã phân tích nhiều vấn đề của ngành giáo dục như ôm đồm, nặng về ứng thí, thành tích, giáo viên chưa làm tốt nhiệm vụ...
Với giọng nói có điểm nhấn, lưu loát, nam sinh cho rằng, không có gì gọi là mới mẻ khi than vãn kiến thức thừa ở THPT hiện nay. "Con người ta sinh ra là khác nhau, tại sao tất cả lại phát triển theo cùng một hướng giống nhau? Phải chăng chúng ta đang quy quá nhiều kiến thức vào hai chữ 'cơ bản'?", nam sinh đặt câu hỏi và tự trả lời: "Nếu có người hỏi tôi kiến thức học đến lớp mấy là đủ, tôi trả lời là lớp 9, vì tôi tin rằng tuổi 14, 15 xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình".
Cậu giải thích, có người muốn làm lập trình viên, đầu bếp nhà hàng, giám đốc ngân hàng, thiết kế thời trang, thậm chí Bộ trưởng Giáo dục, đâu phải nghề nào cũng cần biết đến phương trình chuyển động? Một kỹ sư vật lý liệu có cần phân tích hình tượng nghệ thuật trong một bài văn? Một nhà văn có cần biết phương trình của một loạt các phản ứng hóa học? "Tôi không tin có một nghề nào cần đến toàn bộ kiến thức THPT".
Nam sinh trong clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng". Ảnh cắt từ clip. |
Theo nam sinh này, đánh giá nhau không quan trọng là anh biết được bao nhiêu, mà là anh làm được bao nhiêu với những gì anh biết. Học về thuyết lượng tử ánh sáng mà không lắp được bóng đèn thì học làm gì? Học về phương pháp lai phân tích, quy luật di truyền mà trồng một cái cây không lớn nổi thì học làm gì? Kiến thức chỉ có ích khi áp dụng vào thực tiễn, dù là lao động trí óc hay chân tay. Học phải đi đôi với hành, có hành mới có hứng...
"Đến giờ tôi nhớ, không có một giáo viên nào đề cập được mục đích thực dụng của môn học đó. Họ chỉ nói hãy học đi, phải học tiếp mới chọn được con đường cho mình", cậu nói và cho rằng, trong cộng đồng đều có người giỏi ở lĩnh vực này, người khá ở lĩnh vực kia và không cần đến một thế hệ biết đầy đủ mọi thứ, chỉ cần cộng hưởng với nhau để cùng phát triển một cách tốt nhất. Khi vào đại học, những trường khác nhau học kiến thức khác nhau, kiến thức cấp 3 dần trở nên vô nghĩa.
Một hiện thực, mục đích cao cả của việc học là trang bị năng lượng sống đang bị biến dạng thành một mục tiêu khác là học để thi, để kiểm tra, để không bị tách rời số đông, học để được an toàn, học để có một cái bằng, để người ta nhìn mình với con mắt bao dung hơn.
Rồi cậu nhấn mạnh: "Giáo dục chính là bản thân cuộc sống. Học là để phục vụ nhu cầu cuộc sống, học là để trở thành người có văn hóa, học những thứ cần thiết và có ích cho hiện tại, tương lai, không học những thứ vô ích chỉ giúp chúng ta sở hữu những tờ giấy vô dụng. Đừng bỏ tiền ra và mất 10 năm để mua một cái giấy thông hành mà chính mỗi người phải được đào tạo để trở thành người lái tàu cho chính cuộc đời mình".
Xem clip trên, một chuyên gia giáo dục cho rằng, nội dung mà nam sinh đề cập không mới so với nhiều ý kiến đóng góp trước đó. Bên cạnh những phân tích đúng đắn, nhiều vấn đề còn nhìn hời hợt, thiếu sự cân đối.
Về giáo dục toàn diện, người này đặt câu hỏi "Sao lại bắt ai cũng phải học giống ai"? Nhưng theo chuyên gia này, giáo dục toàn diện đang bình quân chủ nghĩa, chưa phát huy được năng lực từng người, còn chương trình phổ thông cung cấp cho học sinh có đủ phông văn hóa để tiếp tục học những kiến thức chuyên sâu.
Đồng quan điểm, nguyên Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học Nguyễn Kế Hào bày tỏ, nền giáo dục hiện nay có rất nhiều vấn đề và các chuyên gia đã nói trong các cuộc họp. Tuy nhiên, nếu chỉ học hết lớp 9 thì kiến thức phổ thông sẽ thiếu hụt rất nhiều, nền giáo dục sẽ trở nên què quặt và học sinh không đủ phông văn hóa cần thiết. Việc đổi mới nền giáo dục cũng cần làm từng bước bởi giáo dục không tách rời mà gắn liền với nền kinh tế, xã hội của đất nước.
"Em học sinh đã nói được rất nhiều điểm đúng nhưng nhiều vấn đề còn thiếu tính xây dựng. Các em có thể đặt mình vào vị trí tòa án nhưng ý kiến phải góp phần cải tạo chứ không được thiếu tính xây dựng và khiến những người làm giáo dục bị xúc phạm", vị Vụ trưởng từng từ chức để phản đối chương trình sách giáo khoa mới của Bộ GD&ĐT năm 2002 nói.
Còn thầy giáo Văn Như Cương nhận định, nội dung được trình bày trong clip cơ bản đúng nhưng một số nhận định còn hơi quá. Cụ thể, nền giáo dục ứng thí đúng là chưa giúp ích nhiều cho cuộc sống, một số kiến thức chưa thực sự có ích với mỗi cá nhân nhưng không nên nhìn nhận theo hướng cực đoan. Ở môn toán, định lý Pytago dường như không ứng dụng trong thực tế, nhưng nó lại giúp học sinh rèn luyện tư duy toán học, có ích rất nhiều đối với người lãnh đạo, quản lý.
"Nếu nói rằng những kiến thức toán học là không cần thiết, và không cần học môn toán nữa vì mọi người có thể dùng máy tính để thay thế?", PGS Toán học nói và phán đoán, dường như clip trên không phải là sản phẩm của một người, nhất là một học sinh lớp 12 mà có thể là ý kiến của một nhóm người.
Mặc dù vậy, thầy và một số chuyên gia cũng đồng quan điểm nam sinh trên đã có bài thuyết trình nêu bật những điểm chưa được của nền giáo dục. Tuy nhiên, học sinh này chỉ thiên về chê mà không hiến kế. Một nhà giáo cho rằng, nam sinh này nên góp ý thẳng thắn với Bộ Giáo dục trên các diễn đàn, hội nghị. Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đổi mới chương trình sách giáo khoa cũng đang tiếp nhận ý kiến của người dân để hoàn thiện đề án.
Kiều Trinh - Vnexpress